Nhu cầu chơi game giải trí hiện tại rất phổ biến. Đặc biệt là các game PC vì hình ảnh, đồ hoạ, lối chơi hấp dẫn. Tuy nhiên, việc mang nguyên 1 chiếc PC đi mọi nơi giải trí là điều không thể. Laptop có thể giải quyết được vấn đề của PC nhưng còn khá lớn. Những chiếc máy chơi game gọn chính là giải pháp cực tốt. Cùng WibuTech trên tay SteamDeck – 1 chiếc máy chơi game cầm tay có thể chơi được game PC.
SteamDeck chính là sản phẩm của nhà sản xuất VALVE. Toàn bộ chiếc máy sẽ được hoàn thiện từ nhựa. Độ hoàn thiện và chi tiết cao và với mức giá mà em nó mang lại thì quá phù hợp. Tổng thể SteamDeck sẽ có kích thước ngang ngửa 1 chiếc phím cơ 67 phím. Đây cũng là điều bất ngờ khi mình mở hộp và trên tay SteamDeck lần đầu. Tuy to nhưng khối lượng của chiếc máy với mình là ổn áp để có thể cầm nắm và sử dụng chơi game. Đi kèm với máy sẽ là 1 chiếc hộp có thiết kế để đựng chiếc máy, mang đi mang lại mà không sợ va chạm quá nhiều.
Màn hình SteamDeck có độ phân giải tương đương HD (1280 x 800). Chiếc màn hình này có kích thước 7 inch, được trang bị tấm nền IPS và có độ sáng tối đa 400 nits. Với những trải nghiệm thực tế thì vẫn có được hiển thị ổn. Nhưng chắc chắn là độ tương phản, độ sắc nét và độ sáng sẽ không thể so sánh được với những thiết bị di động khác như smartphone được trang bị tấm nền OLED, độ phân giải cao hơn). Chiếc màn hình này cũng có được cảm ứng nhằm giúp bạn có thể thao tác tiện lợi và nhanh hơn ở 1 số trường hợp.
Cấu hình của SteamDeck khá ổn với những sự tuỳ chỉnh riêng từ nhà sản xuất. CPU AMD custom APU 0405 với xung nhịp 2.4Ghz và có 4 nhân 8 luồng. Phiên bản mình đang có ở đây sử dụng 16GB ram chuẩn LPDDR5 và 64GB eMMC. Với cấu hình này thì mình có kịp trải nghiệm qua tự game AAA Shadow Of the Tomb Raider. Máy có thể chạy khá mượt mà và khá ổn định ở 60FPS, max setting, độ phân giải HD. Tuy nhiên, máy sẽ nóng lên rất nhanh và lúc này, bạn sẽ nghe rõ tiếng quạt ở khu vực tản nhiệt
Về trải nghiệm chơi game, mình không phải là người quá thích chơi game Console, với SteamDeck thì đây chỉ là sự trải nghiệm qua. Joystick trên SteamDeck cực nhạy và cảm giác di rất mượt mà, nhẹ nhàng, các nút bấm trên mặt trước, các nút R L và cả nút bấm mặt sau rất nẩy, phản hồi cực cảm giác. Với Touchpad, được trang bị Haptic Touch nên cảm giác di và sự phản hồi từ touchpad tạo nên sự thú vị nhất định.
Về cổng kết nối, chúng ta có được 1 cổng MicroSD để các bạn có thể mở rộng bộ nhớ, 1 cổng USB 3.2 Gen 2 type C có công suất sạc lên đến 45W và có thể xuất hình ảnh với chuẩn Displayport 1,4, 1 Jack tai nghe 3.5mm.
Thời lượng Pin của SteamDeck khá ổn, bạn có thể chơi game liên tục 3 tiếng (mình mới test với game Shadow of the Tomb Raider). Mình test với tác vụ đã sạc đầy và chơi game cững như sạc đầy và cài game sau đó chơi game thì thời gian cũng chỉ loanh quanh 3 tiếng dùng liên tục, với mức độ sáng 90% và âm thanh được cài đặt ở mức cao nhất. Loa của SteamDeck cho ra chất lượng khá tốt với các dải âm được tái tạo đầy đủ và âm lượng lớn cũng như hiệu ứng vòm rõ ràng.
Những điều cần lưu ý:
- Bạn nên mua phiên bản có dung lượng bộ nhớ trong lớn để thoải mái cài game trải nghiệm. Với phiên bản 64GB mình khá chật vật để cài game lên máy sử dụng. Bộ nhớ trống chỉ còn khoảng 46GB khiến mình phải xoá game này và tải game kia để trải nghiệm. Việc dùng ổ cứng ngoài cắm qua cổng Type C để cài game cũng khá khó khăn khi bạn phải chuyển máy qua chế độ Desktop và format ổ cứng ở đúng chuẩn của SteamDeck.
- Các bạn phải có game bản quyền đầy đủ trên Steam vì việc Mod cũng như kiếm những Game đã bẻ khoá để chơi là điều cực kì khó khăn
- Số lượng game tương thích hoàn toàn chưa quá nhiều. Tuy nhiên, Game trên Steam hầu hết có thể chạy được trên SteamDeck nhưng bạn sẽ phải thiết lập các nút bấm cho những thao tác game.
Và đây là những trải nghiệm rất nhanh về SteamDeck khi được trên tay, 1 chiếc máy chơi game gọn gàng để bạn có thể mang đi mang lại, giải trí với những tựa game PC 1 cách dễ dàng hơn.