Bàn phím cơ là 1 trong những phụ kiện để mọi người có thể tương tác trực tiếp với máy tính. Và gần đây, thú chơi phím cơ rộ lên vì nhu cầu người dùng cần phím gõ thoải mái, âm hay. Và đúng nghĩa phím ngon theo từng sở thích từng người thì khái niệm MOD phím từ đó ra đời. Mỗi người sẽ có 1 bài MOD, kết hợp các linh kiện lại sao cho cảm giác gõ và âm thanh phù hợp với sở thích người đó.
Tuy nhiên, với 1 số người dùng thì chỉ cần êm, không lọc xọc, cảm giác gõ mượt là đã đủ. Với 1 số con phím thì để đạt được cái chuyện êm, không lọc xọc là bạn cũng phải “làm” 1 xíu với con phím thì mới đạt được cảnh giới đó. Nhưng với Monka A75, điều bạn cần phải làm là bỏ tiền ra mua em nó, đặt lên bàn và dùng. Cùng trên tay Monka A75 xem build của em nó như thế nào mà có thể ăn ngay mà không cần phải qua các bài MOD nhé. Đặc biệt, mức giá phải bỏ ra cho em nó là vô cùng mềm.
Thiết kế kim loại, hoàn thiện quá tuyệt vời, tỉ mỉ
Phần case, khung của Monka A75 được hoàn thiện từ nhôm 6063 rất dày. Bạn có thể rất dễ cảm nhận được khi gõ vào mọi vị trí của chiếc bàn phím này. Điều này đã tạo nên được độ đầm, chắc cho chiếc phím. Và chắc chắn cầm, sờ 1 chiếc phím nhôm sẽ cao cấp hơn những chiếc bàn phím nhựa. Điều đánh đổi của phím nhôm so với 1 chiếc bàn phím nhựa là cân nặng. Lý do hiện tại những sản phẩm phím nhựa vẫn có chỗ đứng trên thị trường dù mức giá phím nhôm đã rất dễ tiếp cận.
Monka A75 được hoàn thiện bằng sơn phun tĩnh điện. Phiên bản mình đang có ở đây có màu đen, em nó cũng có 1 phiên bản màu khác là màu trắng. Phần sơn này được phun và xử lý rất mịn, sờ rất đã, mượt. Bên cạnh đó thì nếu nhìn kĩ, chúng ta sẽ thấy được độ lấp lánh như phủ kim tuyến trên thân vỏ vậy.
1 điểm ấn tượng trong hoàn thiện của Monka A75 đó chính là phần bo của các cạnh. Phần bo được làm rất mềm mại, không quá vuông vức gây cấn. Tuy nhiên, để có được cảm giác mềm mại đó thì chúng ta sẽ thấy nó không quá sang trọng như những chiếc bàn phím góc cạnh vuông vức.
Phần phím chức năng trên bàn phím được thiết kế lộ ra ngoài. Phím bật tắt, chuyển chế độ 2.4 và Bluetooth và cổng sạc USB Type C được đặt phía sau của Monka A75. Điều này sẽ giúp cho người dùng dễ thao tác hơn trong việc bật tắt hoặc chuyển các chế độ kết nối. Đánh đổi là liền mạch và tinh tế của chiếc bàn phím này.
Bộ lòng chất lượng với đầy đủ foam
Để âm thanh cho ra hay, êm thì chắc chắn các bộ foam tiêu âm là những món rất cần thiết. Nó sẽ làm cho âm đặc hơn, ít những âm thanh rác hơn. Với những chiếc phím trước đây thì gần như mọi người phải mod thêm vào để có được âm thanh như ý muốn. Nhưng với những chiếc phím hiện nay như Monka A75 thì đã được trang bị sẵn.
Phần đáy là 1 khối kim loại đặc dày. Monka cũng trang bị cho A75 1 tấm nhựa trong PET siêu mỏng. Tấm này hầu như không có tác dụng trong việc tạo âm thanh cho phím. Tuy nhiên, nó lại là trợ thủ đắc lực trong việc giảm hư hỏng phím. Nó sẽ giúp phần PCB của phím hạn chế tiếp xúc với phần đáy kim loại và giảm chạm chập mạch. Kế tiếp đó là phần foam Poron dày 3mm. Phần foam này góp phần giảm tiêu âm, hạn chế âm thanh rác khi bạn gõ phím.
Bộ foam PCB của Monka A75 cũng khá đầy đủ. Phía trên PCB chính là tấm PET siêu mỏng như phần đáy. Theo như mình thấy, nếu bỏ tấm PET này ra thì âm thanh sẽ dội lên ít hơn, ít nổ hơn. Kế tiếp đó là phần foam IXPE, và phần foam này cũng là tác nhân giúp âm con phím nổ to rõ. Phần foam cuối cùng là Poron, nhằm triệt tiêu nhiều nhất âm lọc xọc của phần switch khi gõ xuống và đập vào mạch.
PCB đi theo đúng trào lưu của các pháp sư trung hoa.
PCB được trang bị trên Monka A75 là loại PCB mỏng 1.2mm. Và mình nói em này theo đúng trào lưu của pháp sư trung hoa là vì flexcut trên mạch. Các bạn cũng thấy rõ được phần phím Alpha trên flexcut từng phím, chỉ những phần phím xung quanh thì mới không bị cắt xẻ quá nhiều. Điều này sẽ cho các bạn cảm giác nhún, flex khi gõ phím. Tuy nhiên, nếu bạn là người không thích việc flex trên phím thì bạn hoàn toàn có thể Tapemode những khe cắt của PCB, sẽ hạn chế kha khá được việc phím bị nhún.
Phần mạch của Monka A75 cũng có trang bị led RGB từng phím. Bạn có thể thay đổi nhanh các chế độ led thông qua phím tắt với 14 chế độ. Bên cạnh đó thì bạn hoàn toàn có thể tinh chỉnh sâu hơn với phần mềm của hãng. Bạn cũng có thể tinh chỉnh những chế độ phím, macro phím với QMK hoặc cả VIA
Gasket trên phím khá là cứng vì nó là Foam eva. Nó không được cố định trên Plate như những chiếc phím khác mà được cố định ở những khe khoét trên phần khung của phím. Việc foam cứng cũng hạn chế phần nào hiện tượng nhún trên phím. Plate được trang bị sẵn là Plate PC, tuy nhiên, nó không phải loại plate nhựa trắng đục mà nó là loại nhựa cứng trắng sữa, độ Flex trên plate này cũng ít hơn khá nhiều so với Plate trắng đục.
Switch ở mức ổn, keycaps thì lại chất lượng, Stab đã được làm sẵn siêu ngon, núm xoay hoàn thiện tông suyệt tông với phần kit
Phiên bản Monka A75 mình đang có sử dụng switch Monka Star Blue. Đây là dòng switch Linear có 5 Pin. Điều này giúp cho Switch bám chặt trên PCB và ít rung lắc hơn. Phần bên trong switch cũng đã được lube, tuy là phần lube không được chỉnh chu như việc lube thủ công bằng tay nhưng cũng góp phần giúp cho switch mượt hơn.
Kaycaps được trang bị trên Monka A75 là loại keycaps nhựa PBT. Keycaps này được in đúc DoubleShot (đúc 2 lớp nhựa 2 màu). Với việc đúc 2 lớp nhựa như vậy thì chắc chắn các ký tự chữ trên phím sẽ không bao giờ bị phai hoặc tróc. Phần nhựa đúc keycaps cũng rất dày và chắc chắn. Profile của nguyên bộ keycaps này là profile OEM. Thật tiếc là Monka không kèm thêm phần keycaps Bonus để có thể thay thế đa dạng, theo sở thích.
Điều đáng nói là ở phần stabilizer (gọi tắt là stab). Phần này thường các bạn sẽ phải tốn khá nhiều thời gian mod, thậm chí là phải mua thêm dụng cụ phục vụ việc mod. Hơn thế nữa, có thể là mod hết khả năng nhưng thành quả chưa đủ ngon thì 1 số bạn còn phải mua 1 bộ stab khác ngon hơn để thay vào. Nhưng với Monka A75, bạn không cần phải làm gì vì phần stab đã được cân ở nhà máy, tra lube mượt mà. Điều duy nhất bạn cần phải làm là dùng thôi. Hầu như tất cả những phím như Backspace, Spacebar, Shift đều cho ra âm không lọc xọc.
75% và 81 phím, thế nên, Monka A75 có thêm phần núm xoay. Phần núm này được hoàn thiện lớp sơn bên ngoài tương đồng với phần kit và cũng được làm từ kim loại luôn. Tuy nhiên, độ đầm của phần núm xoay này không quá cao, nên mình có chút hụt hẫn về độ cao cấp. Những khấc xoay của phần núm cũng rất rõ ràng.
Những phụ kiện đi kèm và pin
Monka A75 được trang bị viên pin dung lượng 4000mAh. Thời lượng sử dụng pin thì mình chưa test cụ thể nhưng đây cũng là dung lượng pin lớn, hứa hẹn 1 thời lượng sử dụng khá lâu dài
Đi kèm bên trong phím là 1 nắp nhựa để che đậy phím, 1 sợi dây cáp kết nối, sạc pin USB Type C, 1 tool 2 trong 1 nhằm để tháo keycaps và switch.
Trên đây là bài trên tay cực kì đầy đủ chi tiết Monka A75. Đây thật sự là 1 chiếc phím phá đảo thị trường phím cơ khi chỉ 1,2 triệu đồng là bạn đã có 1 chiếc bàn phím cơ 75%, 81 phím, nhôm và có thể ăn liền mà không cần phải mod quá nhiều.